Lịch sử Nghệ_thuật

Vệ nữ Willendorf, chừng 22.000–24.000 năm trước.

Những bức tượng, hình vẽ trên hang động, hình vẽ trên đá, và ký hiệu khắc trên đá của Hậu kỳ Thời đại đá cũ có niên đại khoảng 40.000 năm trước đã được tìm thấy, nhưng ý nghĩa chính xác của chúng vẫn thường không được xác định thống nhất vì có quá ít thông tin về những nền văn hóa đã tạo ra chúng. Những hiện vật nghệ thuật lâu đời nhất thế giới - một loạt các vỏ ốc sên nhỏ, được đục lỗ có chừng 75.000 năm tuổi - được tìn thấy ở một hang động ở Nam Phi.[17] Những vật có thể đã được dùng để đựng mực có niên đại chừng 100.000 năm cũng đã được tìm thấy.[18]

Hình một con ngựa vẽ trên vách hang động Lascaux, cách đây chừng 16.000 năm.

Nhiều truyền thống nghệ thuật lớn bắt nguồn từ nghệ thuật của một trong những nền văn minh lớn của thế giới: Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp cổ đại, La Mã, cũng như Inca, Maya, và Olmec. Mỗi một trung tâm văn minh cổ xưa này đã phát triển một phong cách nghệ thuật đặc thù. Những nền văn minh này xuất hiện trên một phạm vi rộng và có thời gian tồn tại dài nên nhiều trong số những tác phẩm nghệ thuật của họ vẫn tồn tại, và ảnh hưởng củ họ đã lan truyền đến những nền văn hóa khác và đến những thời đại sau.

Trong nghệ thuật Byzantine và nghệ thuật Trung cổ ở phương Tây thời Trung cổ, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật tập trung vào đề tài tôn giáo, sử dụng những phong cách để cho thấy vẻ huy hoàng của một thế giới thiên đường, chẳng hạn sử dụng vàng trong nền của các bức tranh, hay thủy tinh trong các bức khảm hay cửa sổ; những phong cách này cũng thể hiện những hình dáng ở dạng phẳng, theo mô thức, và lý tưởng hóa. Truyền thống hiện thực cổ điển cũng có ở một số nhỏ các tác phẩm nghệ thuật Byzantine, và chủ nghĩa hiện thực đã phát triển dần lên trong nghệ thuật châu Âu Công giáo.

Nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng nhấn mạnh nhiều vào việc mô tả theo lối hiện thực thế giới vật chất, và vị thế của con người trong thế giới đó, phản ánh trong tính chất cụ thể của cơ thể con người, và việc phát triển một phương pháp có hệ thống để thể hiện những sự lồi lõm của vật thể trong ba chiều không gian.

Ở phương Đông, sự từ bỏ việc sử dụng hình tượng của nghệ thuật Hồi giáo đã dẫn đến sự nhấn mạnh vào các mô thức hình học, thư pháp, và kiến trúc. Xa hơn về phía Đông, tôn giáo cũng đóng một vai trò chủ đạo trong các hình thức và phong cách nghệ thuật. Ở Ấn Độ và Tây Tạng, người ta thấy có sự nhấn mạnh đến những bức tượng được sơn phết và những điệu múa, trong khi hội họa tôn giáo vay mượn nhiều ước lệ từ điêu khắc và có xu hướng sử dụng những màu sắc tương phản để nhấn mạnh đến các đường nét. Phong cách nghệ thuật Trung Quốc thay đổi đáng kể từ thời đại này sang thời đại khác, và mỗi phong cách thường được đặt tên theo triều đại trị vì. Chẳng hạn, những bức tranh thời nhà Đường đơn sắc và có tính chất điểm xuyết, nhấn mạnh những cảnh vật lý tưởng hóa, còn những bức tranh thời nhà Minh thì dày đặc chi tiết và nhiều màu sắc, và tập trung kể những câu chuyện thông qua khung cảnh và bố cục. Nhật Bản cũng đặt tên các phong cách nghệ thuật theo tên của triều đại trị vì, và cũng có thấy có sự tương tác qua lại giữa những phong cách thư pháp và hội họa. Sau thế kỷ 17 thì tranh khắc gỗ trở thành một loại hình nghệ thuật quan trọng ở Nhật.

Thời kỳ Khai sáng ở phương Tây thế kỷ 18 cho thấy những thể hiện mang tính nghệ thuật về những niềm tin duy lý về vũ trụ, cũng như những mơ tưởng về một thế giới hậu quân chủ, như trong cách mô tả của William Blake về Newton, hay trong những bức tranh tuyên truyền của Jacques-Louis David. Những cách thể hiện này bị chủ nghĩa lãng mạn từ bỏ sau đó; trào lưu nghệ thuật mới này chú ý đến những hình ảnh về khía cạnh cảm xúc và tính cá thể của con người, như có thể thấy trong những tiểu thuyết của Goethe. Cuối thế kỷ 19, người ta chứng kiến sự ra đời của một loạt những trào lưu nghệ thuật như nghệ thuật kinh viện, trường phái tượng trưng, trường phái ấn tượng, và trường phái dã thú, cũng những trường phái khác.

Lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20 là câu chuyện về những khả thể vô hạn và về cuộc tìm kiếm những tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn này mới ra đời thì bị tiêu chuẩn khác hơn vượt qua. Vì thế mà những quan niệm của trường phái ấn tượng, trường phái biểu hiện, trường phái dã thú, trường phái lập thể, trường phái dada, trường phái siêu thực, v.v..., thường không tồn tại lâu sau khi ra đời. Những tương tác trên phạm vi toàn cầu ngày càng gia tăng trong thời kỳ này khiến những nền văn hóa khác ảnh hưởng lên nghệ thuật châu Âu. Những tác phẩm tranh khắc gỗ Nhật Bản (vốn chịu ảnh hưởng bởi kỹ thuật châu Âu thời Phục hưng) đã có ảnh hưởng đáng kể lên trường phái biểu hiện và những phát triển sau đó. Về sau, điêu khắc châu Phi ảnh hưởng lên sáng tác của Picasso và, ở một mức độ nào đó, những sáng tác của Henri Matisse. Tương tự, phương Tây có ảnh hưởng rất lớn lên nghệ thuật phương Đông thế kỷ 19 và 20; những tư tưởng có nguồn gốc phương Tây như chủ nghĩa cộng sảnchủ nghĩa hậu hiện đại tác động rất mạnh lên phong cách nghệ thuật.

Trong nửa cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa hiện đại, cuộc tìm kiếm chân lý có tính chất lý tưởng, nhường chỗ cho nhận thức về tính bất khả của nó. Chủ nghĩa tương đối (relativism) đã được chấp nhận như một chân lý không thể chối bỏ được; điều này dẫn đến thời kỳ nghệ thuật đương đại (contemporary art) và phê bình hậu hiện đại (postmodern criticism), ở đó văn hóa thế giới và lịch sử được xem là những dạng thức không ngừng biến đổi. Hơn nữa, những khác biệt giữa các nền văn hóa ngày càng bị xóa mờ; một số người cho rằng ngày nay có lẽ thích hợp hơn khi nói về một nền văn hóa toàn cầu, thay vì là những nền văn hóa khu vực.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghệ_thuật http://www.ubc.ca/okanagan/creative/links/arthisto... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/630806/a... http://www.nytimes.com/2011/10/14/science/14paint.... http://oxforddictionaries.com/definition/english/a... http://www.RevolutionArtMagazine.com/ http://witcombe.sbc.edu/ARTHLinks.html http://www.sil.si.edu/digitalcollections/art-desig... http://xtf.lib.virginia.edu/xtf/view?docId=DicHist... http://web.archive.org/web/20081006212330/http://w... //www.worldcat.org/oclc/1077405